Thứ Năm, 9 Tháng Năm, 2024
HomeTổng quan du lịchBảo Tàng Điêu Khắc Chăm Đà Nẵng: Nơi Lưu Giữ Giá Trị...

Bảo Tàng Điêu Khắc Chăm Đà Nẵng: Nơi Lưu Giữ Giá Trị Nghệ Thuật ChamPa Từ Thế Kỷ VII – XIII

Bảo Tàng Điêu Khắc Chăm Đà Nẵng là nơi lưu giữ hơn 2.000 mẫu vật về văn hóa của vương quốc Champa, được sưu tập từ Quảng Bình đến Bình Định và Kon Tum.

Cổ vật ở bảo tàng Chăm Đà Nẵng
Cổ vật ở bảo tàng Chăm Đà Nẵng. ©Accomer

Tổng quan về Bảo Tàng Điêu Khắc Chăm Đà Nẵng

  • Địa chỉ: 02, đường 2 tháng 9, quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng, Việt Nam
  • Giờ mở cửa: 7:00 am – 5:30 pm
  • Giá vé vào cổng: 60.000 đồng

Bảo tàng được xây dựng từ năm 1915 đến năm 1919 bởi hai kiến trúc sư Delaval và Auclair, cùng sự đóng góp lớn của nhà khảo cổ học người Pháp- Parmentier.

Công trình được xây dựng theo lối kiến trúc hình chữ U. Phía trên mỗi tòa nhà được trang trí bằng những mô típ mô phỏng hình mẫu điêu khắc có trên các tháp Chăm cổ.

Toàn bộ bảo tàng được chia thành nhiều khu vực. Mỗi khu vực sẽ lưu giữ các mẫu vật được sưu tầm từ những vùng khác nhau. Hầu hết các hình tượng và mẫu vật được trưng bày ở đây đều làm bằng sa thạch, có niên đại từ thế kỷ thứ VII đến thế kỷ thứ XIII.

mau vat bao tang cham da nang
Một cổ cật được trưng bài tại bảo tàng Chăm. ©Accomer

Các khu vực khác nhau trong bảo tàng Chăm Đà Nẵng

Để giúp du khách tiết kiệm thời gian tham quan khu bảo tàng rộng hơn 6.000m2 này, chúng tôi sẽ gợi ý một lộ trình tham quan khoa học và đầy đủ nhất:

1. Khu vực mua vé và sân vườn của bảo tàng

Nằm ngay phía phải, bên trong cổng bảo tàng là quầy bán vé. Hãy sở hữu một tấm vé và bắt đầu hình trình khám phá nền văn minh Champa rực rỡ suốt nhiều thế kỷ ở đây nhé.

Ngay phía trước bảo tàng là khuôn viên cây xanh thoáng đãng, trong đó nổi bật với hàng Hoa Sứ khá cuốn hút. Vào mùa Đông, hàng Sứ rụng lá chỉ còn cành trơ trọi, như bức tranh hư thực. Mùa xuân, hè, cành Sứ lại xum xuê hoa, lá, tỏa hương mát dịu.

bao tang cham da nang vietnam
Khu vực sân vườn bảo tàng điêu khắc Chăm Đà Nẵng. ©Accomer

Đây có lẽ là nơi thích hợp để ngắm nhìn kiến trúc tổng thể của các tòa nhà, chụp ảnh lưu niệm hay đơn giản là nghỉ chân, hít thở không khí trong lành trước khi bước vào khu trưng bày ở bên trong.

2. Khám phá dấu ấn văn hóa được lưu giữ bên trong bảo tàng

Bảo tàng bao gồm hai tòa nhà riêng, được nối với nhau bằng những bậc thang. Tòa nhà phía trước được xem là khu vực chính, nơi lưu giữ những cổ vật sưu tập được trưng bày thường xuyên. Tòa nhà tiếp theo được dùng làm nơi bảo giữu các mẫu vật mới được tìm thấy và phòng trưng bày theo chuyên đề.

2.1. Khu vực trưng bày thường xuyên

Nhìn từ ngoài vào trong, phía bên tay trái của bạn, các cổ vật được xắp xếp thành cụm/phòng rất rõ ràng, có niên đại theo dòng phát triển của lịch sử.

Cổ vật bảo tàng chăm
Một vài cổ vật ở phòng trưng bày thường xuyên. ©Accomer

Các phòng trưng bày thương xuyên bao gồm:

  • Phòng trưng bày Trà Kiệu,
  • Phòng trưng bày Mỹ Sơn,
  • Phòng trưng bày Đồng Dương,
  • Phòng trưng bày Tháp Mẫm,
  • Phòng trưng bày Quảng Trị – Quảng Bình – Thừa Thiên Huế,
  • Phòng trưng bày Đà Nẵng,
  • Phòng trưng bày Quảng Nam,
  • Phòng trưng bày Quảng Ngãi,
  • Phòng trưng bày Bình Định – Kon Tum,
  • Phòng trưng bày các văn bia, điêu khắc bia.

Để tham quan khu vực này được dễ dàng, bạn hãy đi theo chiều từ trái qua phải, từ trước ra sau.

Nối tiếp với khu vực trưng bày thường xuyên sẽ là khu vực trưng bày theo chủ đề.

2.2. Khu vực trưng bày theo chủ đề

Khu vực này nằm gọn trong tòa nhà hai tầng tiếp giáp với tòa nhà đầu tiên qua các bậc thang. Tầng một có khá nhiều mẫu trưng bày có kích thước tương đối lớn, hầu hết bằng sa thạch và có niên đại muộn hơn các mẫu vật ở phòng chính.

Tầng thứ hai được dùng để trưng bày theo chủ đề. Những chủ đề này sẽ thường xuyên được thay đổi tùy thuộc vào ý tưởng của ban quản lý. Do vậy, các mẫu vật ở đây có thể thay đổi theo thời gian và không bị giới hạn bởi nền văn hóa Champa.

Gợi ý: Hãy dành thời gian nhiều hơn cho khu vực tòa nhà chính ở phía trước để khám phá vẻ đẹp điêu khắc tuyệt mỹ của các mẫu vật cổ được trưng bày tại đây.

Các mẫu vật nổi bật trong bảo tàng điêu khắc Chăm

Người Chăm chủ yếu theo đạo Hindu giáo, nên các tượng, mẫu vật, cũng như hình mẫu điêu khắc dùng để trang trí hay thể hiện trên đền tháp đều mang phong cách đạo Hindu.

Với hàng trăm mẫu vật có tại đây, chúng tôi sẽ lựa chọn giới thiệu những mẫu vật tiêu biểu nhất. Điều đó nhằm giúp bạn vừa tiết kiệm thời gian vừa có thể tìm hiểu, chiêm ngưỡng được hết những giá trị mà bảo tàng mang lại.

1. Đài thờ Trà Kiệu: Nổi bật nhất và được trưng bày ngay gian giữa của bảo tàng là tác phẩm nghệ thuật tuyệt mỹ: Đài Thờ Trà Kiệu. Mẫu vật có niên đại từ thế kỷ thứ VII – VIII. Hình ảnh điêu khắc nổi bật xung quanh đài thờ được phỏng theo một bản tình ca kể về việc chọn con rể của các vua thuộc vương triều Champa.

Đài thờ Trà Kiệu Bảo Tàng Chăm
Đài thờ Trà Kiệu ở Bảo Tàng Chăm. ©Accomer

2. Đài Thờ Mỹ Sơn: Đài thờ này được tìm thấy tại khu tháp E1, Thánh địa Mỹ Sơn, và có cùng niên đại với Đài Thờ Trà Kiệu. Nếu Đài Thờ Trà Kiệu kể về chuyện tình thì Đài Thờ Mỹ Sơn kể về cuộc sống của các tu sĩ theo đạo Bà-La-Môn, họ đang giảng đạo, làm thuốc, thổi sáo.

3. Đài thờ Đồng Dương: Đây là một trong những cổ vật có kích thước to nhất trong bảo tàng Chăm. Nó có niên đại từ thế kỷ thứ IX – X, được làm bằng chất liệu sa thạch. Hình ảnh trang trí trên đài thờ bắt đầu có sự xuất hiện của hoa sen, tượng bồ tát, thể hiện sự ảnh hưởng của Phật giáo lên đời sống cư dân Chăm Pa

dai tho dong duong trong bao tang cham pa
Đài thờ Đồng Dương của bảo tàng. ©Accomer

4. Tượng Gajasimha: là một trong những bảo vật quốc gia, Tượng Gajasimha được làm từ chất liệu sa thạch, cao 251cm, được tìm thấy tại tháp Mẫm (Bình Định), trưng bày tại bảo tàng Chăm Đà Nẵng từ năm 1935. Tượng Gajasimha có hình đầu voi mình sư tử, có niên đại từ thế kỷ thứ VII – VIII.

5. Tượng thần Ganesha: Tượng có hình đầu voi, mình người, cao 95cm, có niên đại từ thế kỷ thứ VII đến thế kỷ thứ VIII. Tượng Ganesha được tìm thấy tại Thánh địa Mỹ Sơn, có bản duy nhất, được công nhận là bảo vật quốc gia vào năm 2020.

Tượng Ganesha
Tượng thần Ganesha. ©Accomer

6. Tượng thần Visnu: có niên đại từ thế kỷ thứ VII – VIII, được tìm thấy ở Mỹ Sơn. Tượng thể hiện hình ảnh của thần Visnu đang ngồi và các rắn thần Naga xung quanh.

7. Tượng đồng Bồ tát Tara: Đây là tượng làm bằng đồng hiếm hoi trong điêu khắc Chăm. Tượng Bồ Tát Tara cao 1m, có niên đại thế kỷ thứ 9, được tìm thấy tại Đồng Dương thuộc xã Bình Định, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam. Mặt có 3 con mắt và bầu ngực căng tròn là những nét nổi bật của pho tượng cổ này.

bo tat tara bao tang cham
Tượng bồ tát Tara. ©Accomer

8. Linga và Yoni: có niên đại thuộc thế kỷ VII – VIII, cũng được tìm thấy ở Thánh địa Mỹ Sơn. Hai hình tượng này thể hiện đời sống phồn thực của người Chăm, mong ước về sự sinh sôi nảy nở, duy trì nòi giống, phát triển vương quốc.

9. Tiên nữ Apsara: nằm ở góc của phòng Trà Kiệu, tượng tiên nữ apsara được đánh giá có giá trị nghệ thuật cao, bởi nét uyển chuyển, dịu dàng có trên pho tượng cổ. Đến nay, những điệu múa của tiên nữ Apsara vẫn còn được lưu giữ, phát triển và trình diễn.

tien nu apsara
Tiên nữ Apsara. ©Accomer

10. Siva đản sinh Vishnu: Đây là bức phù điêu được trang trí trên vàm cửa tháp E1 ở Mỹ Sơn, và được mang về trưng bày tại bảo tàng điêu khắc Chăm Đà Nẵng từ năm 1935. Có niên đại thuộc thế kỷ thứ VII – VIII, bức phù điêu cổ này thể hiện ý nghĩa sản sinh ra vũ trụ của người champa xưa.

Các bức tượng điêu khắc mà chúng tôi giới thiệu ở trên được nhận định có giá trị ý nghĩa văn hóa, lịch sử và nghệ thuật cao. Tất cả chúng đều đã được công nhận là bảo vật quốc gia Việt Nam.

Xuân Thịnh
Người yêu thích du lịch, Thạc sĩ Ngôn Ngữ và Cử nhân Báo Chí, mong đóng góp những bài viết chất lượng về điểm du lịch, dịch vụ, và trải nghiệm đến với đọc giả.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here