Thứ Ba, 17 Tháng Chín, 2024
HomeDu lịch HuếBánh ép Huế: món ăn gây thương nhớ cho những ai trót...

Bánh ép Huế: món ăn gây thương nhớ cho những ai trót thử một lần

Chiếc bánh nhỏ nhắn, mỏng tan nhưng chứa đủ vị dẻo, dai, chua, cay, mặn, ngọt, béo, thơm đủ sức gây thương nhớ cho bất kỳ ai trót thử một lần. Đó chính là chiếc bánh ép đặc trưng của xứ Huế.

Bánh được làm từ nguyên liệu chính là bột lọc. Nghe có vẻ đơn giản và bình dân nhưng để có thể hóa thân thành chiếc bánh gây lưu luyến lòng người lại không hề đơn giản.

banh ep hue
Nhân bánh ép thường có thịt heo ướp kỹ, Pa tê, thịt bò khô, tôm và trứng. ©Accomer

Bột lọc được chọn làm bánh ép phải là bột lọc mới, đã qua quá trình nhồi kỹ lưỡng để cục bột dẻo, trắng và không có vị chua. Trước khi mang đi ép, bột được chia thành từng viên nhỏ tương xứng với khuôn ép. Người ta sẽ cho lên trên viên bột vài miếng thịt ba chỉ cắt nhỏ, ướp gia vị thấm kỹ. Thịt chọn làm bánh ép phải là thịt nhiều mỡ ít nạc để khi ép, mỡ trong thịt chảy ra giúp bánh béo ngon, miếng thịt không bị khô, cứng.

Khuôn ép gồm hai mặt chảo gang phẳng, được gắn vào nhau thông qua một khớp nối có thể gấp mở linh động. Bên trên mỗi lưng chảo có thêm thanh sắt tròn, to, dài, được hàn gắn cẩn thận dùng làm cán ép bánh.

banh ep hue
Một phần bánh ép gồm 4 bánh kèm rau, mắm. ©Accomer

Trước khi ép bánh, người ta đặt khuôn ép lên lò lửa trong khoảng thời gian đủ để làm nóng đều hai mặt chảo gang. Tiếp theo, người thợ ép bánh sẽ quét lên hai mặt chảo lớp dầu ăn mỏng. Viên bột được cho vào giữa khuôn ép, dùng lực bàn tay ép chặt cán ép để viên bột được ép dẹp mỏng, cán đều trên khắp mặt khuôn.

Sau khi viên bột được ép mỏng trong khoảng 20 -30 giây, người thợ ép bánh sẽ mở khuôn ra lần nữa. Lúc này, viên bột lọc đã trở thành miếng bánh tương đối mỏng và vẫn còn nguyên màu trắng của bột. Miếng mỡ trong lát thịt ba chỉ bắt đầu chảy đều khắp mặt bánh.

Người thợ ép tiếp tục cho thêm lên trên mặt bánh thìa trứng gà đánh tan hoặc quả trứng cút trộn đều với hành lá cắt nhỏ. Một vài nơi, chủ quán còn cho thêm vào bánh vài con tôm tươi, chút pa tê để gia tăng hương vị béo ngon cho chiếc bánh ép.

Sau khi thêm trứng, khuôn bánh sẽ được đậy lại và ép chặt hơn so với lúc đầu để bánh đạt độ mỏng tối đa. Người ép giữ khuôn trong khoảng 10 giây sau đó lật trở khuôn ép để bánh chín đều hai mặt.

Cuốn bánh ép dẻo với kèm rau răm, đu đủ chua ngọt, dưa chuột. ©Accomer

Bánh ép có hai dạng là ép khô và ép dẻo.

Để có chiếc bánh ép dẻo, người ép chỉ cần giữ khuôn ép thêm 10 – 15 giây sẽ có chiếc bánh thành phẩm mềm, mỏng, bột trong, dẻo. Các nguyên liệu đi kèm như trứng, tôm, thịt được ép mỏng cùng bánh vừa chín tới.

bánh ép dẻo huế
Bánh ép dẻo dai thật hấp dẫn.

Với bánh ép khô, bánh cần dày hơn, thời gian ép lâu hơn cho đến khi bánh khô, giòn, bột chuyển thành trắng ngà. Các nguyên liệu như hành lá, thịt, tôm cũng được ép khô, ngã màu vàng nâu trên mặt bánh.

banh ep kho hue
Bánh ép khô có thể để được dài ngày và thích hợp mang đi khắp nơi.

Bánh ép khô có thời gian lưu trữ khá lâu và thuận tiện để mang đi nhiều nơi, trở thành thức quà độc đáo của Huế. Khi ăn, bánh ép khô giòn tan trong miệng, thơm nức mùi hành mỡ. Vị bánh béo đậm đà. Người ăn có thể chấm bánh với nước mắm ớt cay nồng hoặc ăn không đều rất hấp dẫn.

Ngược lại, bánh ép dẻo ăn ngay lúc nóng mới ngon. Bánh, vì thế, ăn tới đâu sẽ được chủ quán ép tới đó. Khi ăn bánh ép dẻo, tùy sở thích từng người mà cuốn thêm vài cộng rau răm, đu đủ xanh với cà rốt dầm chua ngọt, vài lát dưa chuột. Một vài nơi còn có thêm cả rau sà lách để khách ăn cùng. Bánh chấm cùng nước mắm pha với tương ớt cay nồng. Nhiều người Huế cho rằng, nước mắm dùng để ăn bánh ép phải thật cay mới hấp dẫn.

Nước mắm chấm bánh ép phải thật cay.

Giới trẻ Huế khi ăn bánh ép, còn cho thêm vào cuốn bánh ép một chút Tré. Chiếc Tré cay cay, chua nhẹ nhẹ, béo béo sần sật của da lợn được tẩm ướp lên men kỹ, càng làm món bánh cuốn hút hồn hơn nữa.

Bánh ép dẻo Huế nhìn thật đơn giản, bình dị nhưng ăn đến đâu thấm thía đến đó. Cắn miếng bánh dẻo, dai trên đầu răng nhưng lại mềm mại, béo ngậy, thơm nức. Vị rau răm tươi hòa quyện với đu đủ, cà rốt chua ngọt giòn thanh. Pha thêm chút cay nồng của ớt. Tất cả làm nên chiếc bánh đánh thức trọn vẹn vị quan của người ăn.


Chỉ chiếc bánh nhỏ đó thôi cũng đủ khiến mọi người con xứ Huế,dù đi đến bất cứ nơi đâu, đều mong được quay về để thưởng thức chiếc bánh ép dung dị của quê hương. Nếu có dịp ghé vùng đất này một lần, nhất định phải thử qua món ăn vặt độc đáo của Huế. Món ăn vặt này đã gây ghiện cho bao thế hệ tuổi trẻ Huế, chắc chắn đủ sức gây thương nhớ cho bạn bè thập phương.

Tại Huế có khá nhiều quán bánh ép ngon, nổi tiếng như:

quán bánh ép xí huế
Bánh ép Xí đặc biệt sạch sẽ và hấp dẫn bởi có thêm nhân Pa tê, thịt bò khô

1. Bánh ép Gia Di – 4 Phùng Chí Kiên – Tp Huế. Mở cửa từ 14:30pm – 21:00pm

2. Bánh ép Chị Huệ – 116 Lê Ngô Cát – Tp Huế. Mở cửa từ 16:00pm – 19:30pm

3. Quán 20 Bánh ép Nguyễn Du – 20 Nguyễn Du – Tp Huế. Mở cửa từ 16:00pm – 22:00pm

4. Quán bánh ép Cây Dừa – 73 Tùng Thiện Vương – Tp Huế. Mở cửa từ 14:30pm – 20:00pm

5. Bánh ép Xí – 107 Nhật Lệ – Tp Huế. Mở cửa từ9:00am –22:00pm


Giá của mỗi chiếc bánh ép Huế khá rẻ, dao động từ 2.000 đồng đến 3.000 đồng mỗi bánh. Khách ăn cũng có thể mua bánh ép khô mang đi khắp nơi. Bánh khô được người bán đóng sẵn vào túi nilon, với mỗi túi 10 bánh, giá từ 20.000 đến 30.000 đồng.

Đến Huế, hãy nếm thử món ăn vặt vừa rẻ vừa tuyệt với này nhé. Chỉ một lần và bạn sẽ thấy mình yêu món ăn vặt này mất rồi.

Xuân Thịnh
Người yêu thích du lịch, Thạc sĩ Ngôn Ngữ và Cử nhân Báo Chí, mong đóng góp những bài viết chất lượng về điểm du lịch, dịch vụ, và trải nghiệm đến với đọc giả.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here