Thứ Sáu, 11 Tháng Mười, 2024
HomeDu lịch HuếChùa Phật Đứng Ở Huế: Điểm Cầu Nguyện Linh Thiêng Đất Thần...

Chùa Phật Đứng Ở Huế: Điểm Cầu Nguyện Linh Thiêng Đất Thần Kinh

Chùa có tượng Phật Bà Quan Âm đứng cao trên ngọn đồi, nên nhiều người địa phương gọi là Chùa Phật Đứng. Nơi đây là địa điểm linh thiêng cho người dân địa phương đến lễ bái, cầu mong bình an.

chua phat dung hue
Chùa Phật Đứng Ở Huế.

Chính vì, nằm trên ngọn đồi khá cao, nên đường lên có vẻ hơi khó khăn.

Sau đây, mình sẽ vẻ cho các bạn cách thức tham quan chùa đỡ tốn công sức với nhiều thông tin bổ ích phía sau nhé!

Chọn thời gian phù hợp tham quan chùa

Thời gian có nhiều du khách tham quan chùa vào các ngày Tết, rằm hoặc mùng 1 âm lịch hằng tháng. Nên nếu bạn muốn ít người, tránh những ngày này ra nhé.

Thời gian trong ngày thích hợp nhất là vào buổi chiều, tầm 3 – 5h, tránh đi buổi trưa, đặc biệt vào những dịp hè, thời tiết của Huế khá nóng bức nên rất khó chịu.

Mình không đề khuyến khích các bạn du lịch đi buổi sáng, vì mỗi sáng phải ăn uống – cà phê cà pháo, và để dành đi những nơi khác gần trung tâm thành phố hơn, đỡ vội vàng.

Thế nhé, bạn đã chọn thời điểm phù hợp cho tham quan chùa Phật Bà rồi đó!

chua phat dung o hue
Một góc ở Chùa Phật Đứng Huế.

>> Có thể bạn muốn xem Chùa Huyền Không Sơn Thượng.

Tiếp theo là phương án di chuyển đến chùa

Chùa Tượng Phật Đứng nằm ở Thủy Bằng, Hương Thủy, Thừa Thiên Huế, cách trung tâm thành phố Huế chừng 12km; vì vậy, đi bộ là phương án không thể tính tới. Còn lại, đó là phương án xe đạp, xe máy, xe ôtô hay taxi, và đi thuyền rồng trên Sông Hương.

  • Xe đạp: Đây là phương án thú vị cho những ai thích thể thao, vừa tham quan, vừa rèn luyện sức khỏe. Cần chú ý bố trí thời gian tùy vào khả năng đạp xe của bạn mà “liệu cơm gắp mắm”. Từ Huế đến chân đồi chùa Phật Bà không có nhiều dốc cao, chỉ vài đoạn hơi nhấp nhô, nên mức độ khó không đến nỗi nào, chỉ là đường xa.
  • Xe máy: Rất nhiều bạn trẻ thích lựa chọn phương án đi xe máy, có lẽ đây là phương án phù hợp nhất và linh động nhất cho những người trẻ thích tự khám phá Huế, không chỉ địa điểm chùa Phật Bà mà còn nhiều điểm tham quan đẹp lân cận. Địa điểm thuê xe máy nằm ở đường Hùng Vương đoạn gần bùng binh, và gần vincom Huế. Xe máy Dì Nga hay xe máy Dì Quýt sẵn có.
  • Xe ôtô hay xe taxi: phù hợp với những nhóm khách có em nhỏ hay người già; với đoàn đi đông thì xe van hay xe buýt. Giá cả thuê thì tùy vào thời gian mà bạn muốn sử dụng. Nếu chỉ đi địa điểm này mất tầm 300 -500 ngàn. Nhưng rất ít người chỉ thuê xe để đi một điểm này, thường kết hợp với điểm tham quan khác như lăng vua Khải Định, Lăng Minh Mạng, Chùa Thiên Mụ….
  • Thuyền rồng trên sông Hương: Phương án này dành cho những người có nhiều thời gian, thích lãng mạn. Sử dụng thuyền bạn có thể gắm nhìn cảnh đẹp dọc bờ sông, thong dong hít thở không khí trong lành trên dòng sông. Tuy nhiên, sử dụng thuyền khá tốn thời gian, ước tính từ trung tâm thành phố đi thẳng lên địa điểm dừng để đến chùa Phật Bà Quan Thế Âm mất tầm 1 tiếng rưỡi, chưa tính thời gian dừng ở Chùa Thiên Mụ, Điện Hòn Chén, hay địa điểm khác. Do vậy, chỉ đi thuyền lên và về bạn mất tầm 3 tiếng chỉ cho đi thuyền. Đồng thời giá cũng kha khá cao, từ 500 ngàn đến 800 ngàn cho một thuyền nhỏ.
thuyen rong tren song huong
Nhiều du khách thích chọn thuyền rồng để tham quan tượng Phật Đứng.

Sao rồi, bạn đã chọn cho mình một phương tiện di chuyển phù hợp?

Nếu bạn chọn lựa được phương án rồi thì xem tiếp khi đến chùa phải làm gì?

Đường đi nước bước từ chỗ gửi xe đến tượng Phật Bà Quan Thế Âm

Để lên tượng bà, có hai lối đi từ chân đồi, lối đi phía sau và lối đi phía trước – gọi là cổng chính.

Lối đi phía sau, cách cầu tuần bắc qua sông Hương tầm 1 km. Nếu tính từ cầu Tuần bạn bỏ một ngã rẽ bên phải đầu tiên, đi tiếp một đoạn ngắn bạn sẽ thấy cột cổng và lối đi nho nhỏ cũng bên phía tay phải bạn, đó là lối lên cổng sau chùa.

phia sau tuong phat ba
Phía sau tượng Phật Bà.

Lối đi này có thể đi xe máy, xe ô tô, loại bỏ xe đạp và cuốc bộ. Mặc dù lối đi này có thể đưa bạn lên ngay sau tượng phật, không cần cuốc bộ đoạn dài, chỉ vài bước là đến tượng, nhưng nếu đi ô tô khá nguy hiểm, vì lối đi chỉ vừa cho một xe lên xuống, đồng thời đường khá dốc. Kể cả đi xe máy, mình thấy cũng khá nguy hiểm, nên mình không khuyến khích các bạn mới đi lên đây lần đầu chọn lối đi này. Hãy đi cổng chính!

Đường đi cổng chính có dốc cao, có nhiều bậc tâng cấp. Nhưng đây là lối đi được khuyên nên đi và bạn cũng sẽ thấy nhiều người đi ở đấy. Lối này tuy dài, nhưng thú vị hơn nhiều!

loi di len tuong phat dung
Lối cổng trước đi lên Tượng Phật Đứng.

Nếu bạn đi từ trung tâm thành phố Huế, dọc theo phía nam sông Hương, bạn chỉ cần đi thẳng, băng qua đường tránh (đường nối cầu Tuần). Chú ý xe nhé! Nhiều xe tải và xe đường dài chạy trên tuyến đường này để tránh vào thành phố Huế.

Hoặc nếu tính từ cầu tuần Sông Hương, chỉ chừng 300 mét bạn sẽ thấy lối rẽ phải vào đường Khải Định. Khi rẽ phải được tầm 120 m, nhìn phía tay trái bạn sẽ thấy cổng chào để đi lên chùa.

Bây giờ, bạn sẽ cần chú ý để chuẩn bị thực hiện chuyến hành hương đến Tượng Phật Đứng linh thiêng nhé!

Nếu bạn đi xe 4 bánh, bạn nên gửi xe ở ngay dưới cổng chính, vì đường từ cổng chào lên chùa rất nhỏ và dốc nên xe đi lên không tiện, mặc dù bạn sẽ thấy một vài xe con và taxi chạy lên đây.

bai dau xe chua phat dung
Bãi đậu xe ô tô trước cổng chính.

Bãi giữ xe ô tô ở ngay phía bên phải cổng chính, giá gửi xe rất là ưu ái, chỉ 20ngàn cho xe 4 chỗ.

Cũng vì dốc cao, nên nếu đi xe đạp, bạn cũng gửi ở đây nốt.

Với xe máy, bạn có thể chạy lên một đoạn nữa, giữa dốc sẽ có một bãi giữ xe, lên gần tượng phật có một bãi nữa. Nếu bạn người hành hương thật sự, hay không vội vàng, mình khuyên bạn nên gửi ở bãi đầu.

Gửi xe máy giá 5.000 đồng, không lo chặt chém.

bai giu xe may chua phat ba
Bãi giữ xe ở lưng chừng đồi.

Sau khi đã giải quyết xong việc gửi xe, việc của bạn là quốc bộ. Đường đi dốc, nếu đi xe ô tô hay gửi từ xe từ cổng chào thì hơi xa, nhưng cũng đáng giá để bỏ công sức cho việc bạn viếng thắm chùa.

Gợi ý quan trọng: Có một chú ý nhỏ, nếu đoàn của bạn có người già không đi bộ được thì sao? Có giải pháp luôn, hỏi người bán hương ngay cổng nhờ chở lên bằng xe máy, tùy trường hợp giá chở lên một lần từ 30 – 50 ngàn.

Tiếp theo, bạn sẽ mua hương và nước lọc đóng chai để dành cho lễ bái, cầu nguyện. Hương và nước được bày bán rất nhiều dọc con đường lên tượng đứng. Mình thấy họ bán nước rất đàng hoàng, giá rất phải chăng, chẳng khi mô mình trả giá với những người bán này,chai nước lọc Aqua chỉ 5 ngàn đồng một chai, quá bất ngờ. Hy vọng bạn cũng gặp người bán tốt và giá hợp lý.

du khach mua nuoc tham quan chua
Du khách mua nước để lên viếng chùa.

Nên mua hai chai nước và một nén hương. Một chai nước thì hơi ít, ba chai có vẻ hơi nhiều với mình… vì sau khi xin lọc của bà, mình chỉ cần một chai cho chính mình, một chai cho người thân là đủ.

Vì sao phải cần chai nước? Chùa tượng Phật Đứng là chùa thờ Quan Âm Bồ Tát, sau khi cầu nguyện, mong ước Phật Bà ban duyên – phước – may mắn qua những giọt nước cam lộ, nên nhiều người dùng chai nước để hứng lấy những giọt nước thiêng liêng này. Sau đó, sử dụng nước này để uống, mong gặp điều may mắn. Đây là niềm tin, tùy vào đức tin của mỗi người nhé!

Sau khi mua hương và nước xong, dọc con đường đi lên chùa hai bên bậc tâng cấp có những án hương cho phép bạn thắp hương để cầu nguyện. Nhớ hãy cắm hương đúng nơi quy định đấy nhé! Vì xung quanh là rừng thông, cây bụi rất dễ cháy.

loi di len chua phat dung
Lối lên chùa Phật Đứng với hai bên được thắp hương. ©Accomer

Khi lên đến tầng cuối cùng, bạn sẽ thấy một sân rộng bao quanh tượng Phật Bà đứng cao ngút. Nơi đây sẽ dành cho người cầu nguyện chung, bạn sẽ thắp hương và để chai nước ở sân này khi cầu nguyện.

cau nguyen o chua phat dung hue
Cầu nguyện trước tượng Phật Bà.

Mở nắp chai nước, thắp hương, không nên thắp nhiều, chỉ một hoặc 3 cây thôi nhé. Bạn cầu gì thì cầu… sau đó có thể cắm ngay hương lên chai nước (chỗ miếng nilong quanh chai, đừng cắm vào trong nước, kẻo tội, không uống được nữa), hay bạn có thể cắm hương lên án hương to trước chùa. Tuy nhiên, khi đi lễ thường có nhiều người thắp hương nên án hương chung có thể khó còn chỗ để cắm. Và cũng lưu ý, bạn không được phép thắp hương trong chính điện thờ; trong chính điện chỉ dành cho người cầu nguyện, bạn có mang hương hoa quả… vào trong này.

le bai trong chinh dien
Lễ bái trong chính điện Chùa Phật Đứng chỉ hoa, quả, bánh, không thắp hương.

Cầu nguyện, cúng dường, tham quan bao lâu tùy ý bạn. Mình thường tham quan, vãn cảnh, cầu nguyện, nghỉ ngơi tầm 30 – 45 phút ở đây và quay về.

Chúc các bạn có chuyến đi đến Chùa Phật Đứng Quan Âm vui vẻ, gặp nhiều may mắn!

Accomer Việt Nam
Đội ngũ Accomer Việt Nam chuyên thực hiện trải nghiệm, khám phá điểm đến ở Việt Nam và thế giới qua những chuyến du lịch đầy ý nghĩa. Chúng tôi rất vui chia sẻ những góp nhặt thú vị với mong muốn giúp bạn có nguồn thông tin hữu ích cho chuyến đi tiếp theo của mình.