Thứ Năm, 9 Tháng Năm, 2024
HomeDu lịch HuếKhám phá Đại Nội Huế như đang đi cùng một hướng dẫn...

Khám phá Đại Nội Huế như đang đi cùng một hướng dẫn viên lành nghề

Đại Nội Huế là khu vực rộng lớn nằm bên trong kinh thành Huế. Nơi đây bao gồm nhiều công trình kiến trúc quan trọng của vương triều Nhà Nguyễn kéo dài từ năm 1802 đến năm 1945.

Du lịch đến Huế, nhất định không thể bỏ lỡ cơ hội khám phá di tích trọng điểm này. Chúng không chỉ mang ý nghĩa văn hóa, lịch sử quan trọng mà còn là khu vực của những công trình kiến trúc có giá trị nghệ thuật, thẩm mĩ cao. Đến Đại Nội, chắc chắn bạn sẽ có được những trải nghiệm thú vị cùng nhiều tấm ảnh, thước phim đẹp.

Đại Nội Huế
Ngọ Môn là một trong những kiến trúc chính của Đại Nội. ©Accomer

Đại Nội hay còn được gọi là Hoàng Thành, được xây dựng trên nền mặt bằng gần vuông. Trong đó, hai mặt trước và sau có chiều dài là 622m; hai mặt trái phải có chiều dài 604m.

Bên trong Hoàng Thành bao gồm Tử Cấm Thành, là nơi ở, làm việc, sinh hoạt hằng ngày của Vua và các thành viên gia đình Hoàng gia. Ngoài ra, còn có những cơ quan chính trị văn hóa quan trọng nhất của triều Nguyễn.

Với kinh nghiệm 15 năm làm việc trong nghề Hướng dẫn viên, người viết sẽ giới thiệu đến du khách cách thức, lối di chuyển để có thể có cái nhìn rõ ràng, đầy đủ về di tích Hoàng Thành rộng lớn này. Người viết cũng sẽ cố gắng giới thiệu đến du khách những khu vực, chi tiết đẹp, nổi bật có tại đây. Vì vậy, sẽ không xoáy sâu quá nhiều vào các chi tiết lịch sử.

Hành trình sẽ bắt đầu từ bãi đỗ xe.

Bãi đỗ xe tham quan Đại Nội Huế

Có hai bãi gửi xe để vào khu vực Hoàng Thành:

Bãi gửi xe Nguyễn Hoàng: đây là bến xe nằm ngoài kinh thành, cách cửa Thể Nhơn- thường gọi là cửa Ngăn, tầm 50m, và cách cổng Đại Nội khoảng 450m. Bến xe nằm ở địa chỉ số 01 đường Lê Duẩn. Bạn sẽ dễ dàng nhận ra bến xe này ngay khi đến bờ Bắc cầu Phú Xuân.

Bến xe Nguyễn Hoàng thường chỉ dành cho xe ô tô từ 24 chỗ trở lên, bởi các loại xe lớn không được vào bên trong Kinh thành. Tuy nhiên, bạn vẫn có thể đậu xe nhỏ hơn.

ben xe du lich nguyen hoang hue
Bến xe Nguyễn Hoàng cho xe du lịch.
bang gia gui xe ben xe nguyen hoang

Bãi gởi xe bên trong kinh thành: Với các loại xe ô tô 4-16 chỗ, xe máy, xe đạp, du khách có thể di chuyển vào bãi đỗ xe bên trong thành. Nếu đi vào bằng Cửa Ngăn – Thể Nhơn, hãy rẽ phải ngay khi qua khỏi cửa thành, đi thêm khoảng 200m nữa, bạn sẽ gặp bãi đỗ xe tại đây.

Nếu bạn vào thành bằng cửa Quảng Đức, hay còn gọi là cửa Sập, hãy rẽ trái ngay khi qua khỏi cửa, đi thêm tầm 250m nữa bạn cũng sẽ gặp một bãi đỗ xe tại đây.

Cả hai bãi đỗ xe bên trong thành này đều thuận tiện cho du khách. Tuy nhiên, bãi đỗ ở cửa Ngăn là thuận lợi hơn vì bạn sẽ tiết kiệm được khá nhiều thời gian đi bộ đến cổng Đại Nội. Đồng thời nó cũng gần với lối ra của Hoàng Thành hơn rất nhiều.

bai giu xe may oto dai noi
Bãi giữ xe phía trong tham quan Đại Nội.

Một điểm chú ý nhỏ: hãy đậu và đỗ xe đúng nơi quy định. Việc đỗ xe chỉ vì sự thuận tiện của người xuống xe mà quên chú ý đến biển báo trong khu vực di tích, sẽ có thể mang lại một vài rắc rối không đáng có cho tài xế.

Hướng dẫn sơ đồ thứ tự các điểm tham quan trong Đại Nội

Có rất nhiều điểm tham quan trong khu vực Đại Nội, do đó, nếu bạn không đi cùng một hướng dẫn, hãy lưu lại bài viết của chúng tôi để có được hành trình thích hợp. Tránh mất thời gian đi lòng vòng mà vẫn bị bỏ điểm, mất điểm đáng tiếc.

Thời gian tham quan Đại Nội có thể kéo dài từ 1,5giờ đến 3giờ, tùy vào mục đích của du khách là tham quan hay chụp thật nhiều ảnh, ngắm nhìn kỹ hơn những nét kiến trúc, hoa văn có ở đây.

Sau đây là gợi ý đường đi theo khung giờ cho các bạn nhé.

Tham quan Đại Nội trong 1 tiếng bao gồm các điểm (theo trình tự nhé):

Cổng Ngọ Môn => Hồ Nước và Sân Đại Triều => Điện Thái Hòa => Tử Cẩm Thành, bao gồm hai điểm chính: Thư Viện và Nhà Hát => Cửa Hiển Nhơn => Về lại bến xe.

Tham quan Đại Nội từ 1,5 tiếng đến 2 tiếng bao gồm các điểm:

Cổng Ngọ Môn => Hồ Nước và Sân Đại Triều => Điện Thái Hòa => Thế Miếu => Cung Diên Thọ => Tử Cẩm Thành, gồm có Thư Viện và Nhà Hát => Cửa Hiển Nhơn => Về lại bến xe.

Đây là sơ đồ hướng dẫn đường đi, lưu nó lại để làm tư liệu tham khảo khi tham quan nơi này nhé!

ban do kam pha dai noi hue voi duong di
Bản đồ đường đi tham quan Đại Nội được tạo dựa trên nền Google map có tỉnh lược.

Ghi chú: Mũi tên màu cam cho đường đi tham quan dài; mũi tên màu trắng cho đường đi tham quan ngắn.

Tự khám phá Đại Nội như đang đi cùng hướng dẫn viên

Hãy theo trình tự, cùng khám phá nét đẹp quyến rũ và huyền bí của Hoàng Thành.

1. Mua vé tham quan Đại Nội

Trước khi mua vé chính thức bước vào khu vực Đại Nội, hãy dừng chân tìm hiểu Cửu Vị Thần Công của triều đình nhà Nguyễn.

Có tổng cộng 9 khẩu thần công được bố trí trước mặt Hoàng Thành, ngay sau hai cửa vào Thể Nhơn và cửa Sập.

Ở cửa Ngăn -Thể Nhơn, trưng bày 4 khẩu thần công được đặt tên theo 4 mùa Xuân – Hạ – Thu – Đông. Ở cửa Sập – Quảng Đức có 5 khẩu thần công được đặt tên theo ngũ hành Kim – Mộc – Thủy – Hỏa – Thổ.

Tuy các khẩu thần công này chưa bao giờ tham gia vào chiến trận nhưng mang giá trị lịch sử, văn hóa, nghệ thuật vô cùng lớn. Nó được triều Nguyễn trân trọng như bấu vật mang ý nghĩa tâm linh để hộ quốc.

Ngày nay, Cửu Vị Thần Công vẫn là những khẩu thần công lớn nhất Việt Nam. Là bộ sản phẩm mỹ thuật giá trị nhất của dân tộc.

cửu vị thần công huế
Thần Công.

Hãy ngắm nhìn các hoa văn tinh xảo được khắc trên thân bảo vật. Chụp ảnh lưu niệm cùng những vị thần công nổi bật này nhé.

Chia tay các vị thần công, chúng ta hãy đến với Quảng trường Ngọ Môn, chụp ảnh cùng cột cờ và thư giản tầm nhìn.

cot co dai noi hue
Cột Cờ Đại Nội Huế.

Tiếp đến, hãy tiến vào quầy vé bên tay phải để mua vé vào Hoàng Thành.

diem ban ve tham quan dai noi
Điểm bán vé tham quan Đại Nội.

Đây là bảng giá vé tham quan:

  • Người lớn: 200.000VND/người
  • Trẻ em từ 7-12 tuổi: 40.000VND/người

(giá vé đúng với thời điểm đăng bài)

bảng giá vé tham quan đại nội
Bảng giá vé tham quan Đại Nội.

2. Cổng Ngọ Môn công trình trọng điểm đầu tiên của Hoàng Thành

Công trình nguy nga tráng lệ đầu tiên mà bạn nhìn thấy khi khám phá Hoàng Thành là cổng Ngọ Môn. Có thể nói đây là một trong những biểu tượng sức mạnh, uy quyền Hoàng Cung xưa.

Nhìn từ bên ngoài, công trình được thiết kế theo hình chữ U với ba lối đi chính ở giữa và hai lối đi phụ được thiết kế ẩn mình khéo léo hai bên cánh của nền đài.

Bên trên là một tòa lầu mang tên Lầu Ngũ Phụng. Lầu có thiết kế 2 tầng, nổi bật với mái ngói lưu ly. Trong đó, phần mái ở giữa được lợp ngói hoàng lưu ly mang màu vàng, tượng trưng cho hoàng gia. Hai bên tả hữu tòa lầu là mái ngói thanh lưu ly mang màu xanh tượng trưng cho muôn dân, cây cỏ.

cong ngo mon hue
Cổng Ngọ Môn Huế.

Đứng bất kỳ góc nào ở phía trước cổng Ngọ Môn, bạn đều có thể có những bức ảnh đẹp. Hoặc bước qua cổng soát vé, rẽ trái để lên Lầu Ngũ Phụng ngắm nhìn hoàng thành. Vẻ đẹp của công trình này hòa quyện tuyệt vời với khung cảnh và màu sắc xung quanh.

3. Hồ Thái Dịch và Sân Đại Triều

Ngay phía sau cổng Ngọ Môn là Hồ Thái Dịch. Giữa hồ là một chiếc cầu rộng làm lối đi nối với sân Đại Triều.

ho thai dich o dai noi hue
Hồ Thái Dịch.

Hồ nước thu hút du khách bởi đàn cá Koi đông đúc, vui vẻ và khá “hiếu khách”. Cạnh hồ có chiếc bàn nhỏ bán thức ăn cho cá, nên nếu bạn muốn nhìn cảnh đàn cá chen nhau đớp mồi, hãy mua ngay một túi thức ăn nhỏ mà đàn cá đang rất mong đợi nhé.

Ngoài ra, vào mùa hè, tầm cuối tháng 5 đến tháng 7, hồ còn được tô điểm bởi muôn đóa sen hồng và trắng thơm ngát.

ca koi o ho thai dich
Cá Koi ở Hồ Thái Dịch.

Qua khỏi cầu sẽ đến sân Đại Triều, nơi dành cho các quan đứng chầu vào các buổi thiết triều.

Hai bên sân có hai hàng bia nhỏ, đó là cột mốc để chia thứ bậc từ cao tới thấp khi thực hiện nghi lễ.

san dai trieu
Hàng bia ở sân Đại Triều.

4. Điện Thái Hòa

Chú ý: Điện Thái Hòa đang được trùng tu, bạn không thể vào trong. Vì vậy, bạn rẽ phải để đi vòng ra Tả Vu và Hữu Vu phía sau nhé.

Công trình kiến trúc này được xem như biểu tượng sức mạnh và sự trường tồn của triều đại Nhà Nguyễn. Là nơi thiết triều của vua và tổ chức các sự kiện quan trọng như đón tiếp các phái đoàn ngoại giao.

Nét nổi bật của Điện Thái Hòa bao gồm: phần mái được lợp ngói lưu ly màu vàng và được trang trí bằng 9 con rồng được đắp, khảm vô cùng tinh xảo.

dien thai hoa
Điện Thái Hòa nhìn từ cầu Trung Đạo. ©Accomer

Bên trong chính điện được sơn son thếp vàng. Trong đó màu đỏ – ” sơn son” thể hiện sức mạnh và hạnh phúc, màu vàng – “thếp vàng” tượng trưng cho sự giàu sang, vương quyền.

Một điểm chú ý khi tham quan khu vực này: không được phép chụp ảnh trong chính điện. Đặc biệt với thiết bị chụp sử dụng đèn flash có cường độ ánh sáng cao, bởi nó có thể phá hủy màu sơn.

Hãy chỉ chụp ảnh từ phía ngoài công trình đặc biệt quan trọng này nhé.

5. Tả Vu và Hữu Vu

Xuyên qua điện Thái Hòa, bạn sẽ bước vào khu vực Tử Cấm Thành, nơi sở hữu nhiều quy định nghiêm ngặt nhất Hoàng cung xưa.

Hai bên trái, phải là hai công trình có kiến trúc tương đối giống nhau, được gọi là Hữu Vu và Tả Vu. Hai công trình này từng được sử dụng cho các quan văn, võ, những người được phép diện kiến vua ngồi chờ đợi và chỉnh trang áo mũ.

tả vu
Tả Vu.

Hiện nay, Tả Vu được dùng để trưng bày các cổ vật triều Nguyễn. Các bộ sưu tập ở đây có thể được thay đổi tùy vào thời điểm.

Hữu Vu là nơi dành cho dịch vụ chụp ảnh lưu niệm. Tại đây, du khách có thể thuê áo dài, trang phục cung đình và khu vực mô phỏng ngai vàng để lưu lại những bức hình ưng ý.

du khach chup anh luu niem
Du khách chụp ảnh lưu niệm tại Hữu Vu.

Khi tham quan khu vực Tả Vu và Hữu Vu, bạn có thể ghé lại bức tường thành cũ còn lại bên nền móng của điện Cần Thành bị đỗ nát.

Nếu bạn lựa chọn đường đi tham quan 1 tiếng, hãy bước tiếp theo hành lang mới được phục dựng để đến với Thư Viện và Nhà Hát.

Sau đây là lối đi cho tuyến tham quan dài hơn, từ 1,5 tiếng đến 3 tiếng.

Sau khi tham quan Tả Vu và Hữu Vu, hãy quay ngược về phía trước. Ngay khi ra khỏi khu vực Tử Cấm Thành, du khách rẽ phải và đi dọc theo bờ thành để đến với Thế Miếu.

loi di den the mieu
Lối đi đến Thế Miếu.

6. Khu vực Thế Tổ Miếu

Thế Tổ Miếu thường được gọi Thế Miếu, là công trình dùng cho việc thờ cúng các vua nhà Nguyễn, là nhà thờ lớn của Hoàng gia.

the mieu
Thế Miếu. ©Accomer

Trung tâm của khu vực này là Thế Miếu với mái ngói âm dương, nội thất được sơn son thếp vàng. Bên trong bao gồm bàn thờ của các vua Nhà Nguyễn.

Đây là khu vực tôn nghiêm, do vậy, tham quan nơi này, bạn cần đi nhẹ, nói khẽ. Đặc biệt, cần tránh quay lưng về phía bàn thờ khi chụp ảnh.

trang phuc khong duoc vao the mieu
Trang phục không đươc vào Thế Miếu.

Nằm đối diện với Thế Miếu là Hiển Lâm Cát, công trình cao nhất Đại Nội. Điểm nổi bật của căn gác này là bốn trụ gỗ to, cao nối thẳng từ nền lên đến tầng ba. Ngoài ra, toàn bộ tòa kiến trúc được thiết kế, xây dựng khá cân đối, hài hòa, đạt giá trị nghệ thuật, thẫm mỹ cao.

hien lam cat
Hiển Lâm Cát.

Điểm ấn tượng tiếp theo không thể không nhắc đến ở khu vực này là 9 chiếc đỉnh đồng được đúc dưới thời vua Minh Mạng và được gọi là Cửu Đỉnh. 9 đỉnh đồng này được đặt trước Thế Miếu ứng với án thờ của 9 vị vua được thờ bên trong.

Cửu Đỉnh được xem như vật tượng trưng cho uy quyền, sức mạnh, sự trường tồn của Vương triều. Ngày nay, 9 đỉnh đồng này nằm trong danh sách các bảo vật quý giá của quốc gia. Hoa văn trang trí trên mỗi Đỉnh được đúc, chạm khắc khá tinh xảo thể hiện sự phát triển của nghệ thuật đúc đồng cùng nền văn hóa của dân tộc.

cuu dinh
Bốn đỉnh trong Cửu Đỉnh.

7. Khu vực Cung Diên Thọ

Sau khi tham quan Thế Tổ Miếu, hãy tiếp tục vòng ra phía sau rồi rẽ trái để đến với cửa Chương Đức– cổng phía tây của Hoàng Thành. Với hoa văn được chạm trổ bằng sành sứ vô cùng tinh xảo, cửa Chương Đức trở nên thành địa điểm lý tưởng để chụp ảnh. Hãy thử vài bức chụp thật ưng ý tại đây nhé.

cua chuong duc
Cửa Chương Đức.

Từ cửa Chương Đức, bạn rẽ phải và đi dọc bờ thành chừng 80 mét, tiếp tục rẽ phải rồi đi thêm tầm 30m sẽ đến Cung Diên Thọ nằm bên trái.

cung dien tho
Cung Diên Thọ với được trang trí hình con phụng phía trên nóc.

Cung Diên Thọ là nơi ở của Hoàng Thái Hậu- mẹ vua, và Thái Hoàng Thái Hậu- bà nội của vua. Trong khuôn viên toàn cung Diên Thọ, hiện, còn lại các công trình kiến trúc chính: Cung Diên Thọ, Điện Thọ Ninh, tạ Trường Du, am Phước Thọ và lầu Tịnh Minh.

Nổi bật nhất ở đây là công trình Cung Diên Thọ. Cung nằm chính giữa của khuôn viên, có mái ngói âm dương màu vàng, trên mái được tranh trí hình phụng được chạm đắp công phu.

Bên phía phải Cung Diên Thọ là công trình tương đối mới, Lầu Tịnh Minh được xây dựng theo phong cách Á – Âu. Từng là nơi nghỉ ngơi của vua Bảo Đại.

lau tinh minh
Lầu Tịnh Minh có phong cách Á – Âu.

Dưới góc nhìn của người viết, phân khu bên phía trái Cung Diên Thọ là nơi đẹp nhất ở đây. Phân khu này có tên Tạ Trường Du và thường được gọi là Thủy Tạ. Công trình bao gồm hồ nước rộng 560m2, bên trong nuôi cá và trồng sen. Bên trên mặt nước là ngôi nhà thủy tạ có diện tích bằng một nữa hồ.

nhà thủy tạ
Khu Nhà Thủy Tạ.

Nằm đối xứng với Tạ Trường Du qua Cung Ninh Thọ, chếch về phía tây là Am Phước Thọ hay còn được gọi Khương Ninh Các. Công trình vừa được sử dụng làm ngôi chùa nhỏ để thờ Phật, vừa đảm nhận nhiệm vụ của Am thờ thánh. Do đó, nó trở thành nơi cho các nữ chủ nhân trong cung xưa đến dâng hương, cầu nguyện.

Quả thật, có rất ít khách lui tới khu vực này. Có lẽ vì cảm giác tâm linh thần bí do Am thờ vong linh thần thánh tạo nên chăng?! Là một hướng dẫn viên, người viết cũng ít khi giới thiệu khách đến khu vực này, càng không khuyến khích việc chụp ảnh ở đây. Tất nhiên, không có bất kỳ lệnh cấm nào dành cho khách tham quan nếu vẫn muốn khám phá nó.

Một điểm khá thú vị nữa ở khu vực này là lối đi nhỏ xuyên qua các cánh cổng. Nằm bên trái Cung Diên Thọ, với thiết kế cổng lồng cổng, nơi đây trở nên khá thú vị để du khách có thể tự do sáng tạo nên những bức ảnh đẹp, lạ.

cổng cổ đại nội
Cổng lồng cổng, nơi bạn có thể sáng tạo những bức ảnh đẹp.

8. Thư Viện và Nhà Hát

Rời cung Diên Thọ bằng lối đi xuyên những cánh cổng, bạn trở lại khu vực Tử Cấm Thành, nhưng ở vị trí khác.

Hãy men theo lối đi có mái che sẽ dẫn du khách đến với Thư Viện, còn có tên Thái Bình Lâu. Trên đường đi, bạn nhìn thấy nhiều khu đất trống, đấy chính là nền móng cũ của hàng chục công trình kiến trúc đã bị tàn phá.

phe tich tu cam thanh
Phế tích Tử Cấm Thành.

Thư viện, Thái Bình Lâu, là công trình kiến trúc có không gian bên ngoài và mô típ trang trí trên mái rất sống động. Hiện nay, tòa nhà này đang được sử dụng cho việc giới thiệu và bán các sản phẩm lưu niệm.

thai binh lau
Hoa văn trang trí trên mái rất ấn tượng ở Thái Bình Lâu.

Phía trước, chếch về bên phải của Thái Bình Lâu, là Vườn Thiệu Phương. Khu vực này mới được khôi phục, kiến tạo lại bao gồm các khu tiểu cảnh, hồ cá, cây cảnh, hoa lá khá cuốn hút. Vườn Thiệu Phương thường được dùng cho các hoạt động triển lãm nghệ thuật.

vuon thieu phuong
Một góc Vườn Thiệu Phương.

Từ Vườn Thiệu Phương, bạn hướng về phía trái sẽ đến nhà hát Duyệt Thị Đường. Đây từng là nơi tổ chức các buổi trình diễn Nhã nhạc, diễn xướng phục vụ nhà vua và hoàng thất.

Ngày nay, nó được sử dụng để biểu diễn Nhã nhạc cung đình Huế, đáp ứng nhu cầu xem, tìm hiểu loại hình nghệ thuật này của du khách. Nếu bạn muốn thưởng thức Nhã nhạc, hãy để ý thời gian và xuất diễn để không bỏ lỡ cơ hội nhé.

Nét nổi bật của công trình này nằm ở cách trang trí cũng như màu sắc nội thất rất cuốn hút. Vào những khung giờ không trình diễn nhã nhạc, bạn cũng có thể tham quan và chụp ảnh bên trong nhà hát.

duyet thi duong
Nhà hát Duyệt Thị Đường.
thoi gian bieu dien o duyet thi duong
Thời gian biểu diễn Nhã Nhạc Cung Đình ở Duyệt Thị Đường.

9. Cửa Hiển Nhơn và Bảo Tàng Mỹ Thuật Cung Đình

Phía trước nhà hát có lối đi ra cổng. Qua cổng bạn rẽ phải, đi chừng 30m lại rẽ trái, tiếp tục bước để đến cổng Hiển Nhơn.

Nếu phía Tây của Hoàng Thành có cổng Chương Đức thì phía Đông là cổng Hiển Nhơn. Cũng giống cổng Chương Đức, cổng Hiển Nhơn được trang trí hoa văn khá đẹp mắt. Nhiều du khách vẫn không thể không lưu lại những tấm hình đẹp ở cổng này trước khi rời Đại Nội.

cua hien nhon
Phía ngoài Cửa Hiển Nhơn.

Sau khi ra khỏi cổng Hiển Nhơn, nếu rẽ phải và đi theo lối đi nhỏ dọc bên ngoài bờ thành, bạn sẽ quay trở lại bến xe phía trong thành, nghĩa là bạn trở lại nơi xuất phát. Kết thúc chuyến thăm Đại Nội.

Nếu bạn muốn xem bảo tàng Mỹ Thuật Cung Đình, từ cổng Hiển Nhơn bạn đi thẳng khoảng 15m để ra đường Đoàn Thị Điểm, rẽ phải và đi thêm tầm 30m, bạn sẽ thấy đường Lê Trực, Bảo Tàng nằm ở số 03 Lê Trực.

bao tang my thuat cung dinh hue
Phía ngoài Bảo Tàng Mỹ Thuật Cung Đình Huế.

Khoảng cách từ cổng Hiển Nhơn đến bảo tàng Mỹ Thuật Cung Đình khá gần, tầm chưa đến 200m nếu đi bộ. Nhưng vì đường Đoàn Thị Điểm chỉ được lưu thông một chiều, do đó, nếu di chuyển đến Bảo Tàng bằng xe, bạn phải đi đường vòng xa hơn.

Chú ý: có khá nhiều xích lô ở trước cổng Hiển Nhơn có thể sẽ mời chào bạn sử dụng dịch vụ này để đi đến Bảo Tàng. Nếu bạn muốn thử, xích lô sẽ đưa bạn đi bằng đường vòng và giá cho một đoạn trải nghiệm ngắn thường không quá nhiều, tầm 20.000VNĐ đến 30.000VNĐ.

xich lo truoc cong hien nhon
Xích lô phía trước cổng Hiển Nhơn.

Vé tham quan Đại Nội đã bao gồm tham quan bảo tàng này, nên bạn không cần phải mua vé thêm. Hãy sử dụng chiếc vé đã được soát tại cổng Đại Nội để được vào địa điểm này nhé.

Trong bảo tàng có trưng bày nhiều cổ vật của hoàng gia Nhà Nguyễn, rất đáng để xem. Đồng thời, khung cảnh cũng như kiến trúc của công trình này cũng khá đẹp mắt để du khách ghé qua chiêm ngưỡng.

Sau khi viếng thăm Bảo Tàng Mỹ Thuật Cung Đình, du khách chỉ cần rẽ phải vài bước, tiếp tục rẽ trái để quay về bãi đỗ xe. Kết thúc hành trình khám phá Hoàng Thành.


Tóm lại

Bài viết về Đại Nội Huế này nhằm hướng dẫn tham quan cho những du khách mới đến địa điểm này lần đầu.

Nó cũng có thể hữu ích với những hướng dẫn viên mới vào nghề, các bạn trẻ đang theo đuổi ước mơ với ngành du lịch. Đồng thời là tài liệu tham khảo cho các trưởng đoàn, hướng dẫn viên suốt tuyến còn nhiều bỡ ngỡ với Huế.

Sau khi đi tham quan Đại Nội, bạn có thể khám phá chợ Đông Ba, một trong những ngôi chợ nổi tiếng của Huế.

Nếu bạn có thắc mắc gì về Đại Nội, hãy để lại nhận xét!

Xuân Thịnh
Người yêu thích du lịch, Thạc sĩ Ngôn Ngữ và Cử nhân Báo Chí, mong đóng góp những bài viết chất lượng về điểm du lịch, dịch vụ, và trải nghiệm đến với đọc giả.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here