Thứ Tư, 11 Tháng Mười Hai, 2024
HomeTổng quan du lịchCác ngày lễ chính ở Việt Nam

Các ngày lễ chính ở Việt Nam

Có thể thấy, dấu ấn văn hóa của một vùng miền, quốc gia nào đó thể hiện rõ nét thông qua các ngày lễ, hội diễn ra hằng năm trên chính quốc gia đó. Ở Việt Nam, hàng năm có rất nhiều dịp lễ hội quan trọng diễn ra trên cả nước. Trong đó, có những ngày lễ được chính phủ công nhận là Quốc lễ. Một số ít khác nằm ngoài danh sách quốc lễ, nhưng vẫn được người dân cả nước hưởng ứng và xem như phần không thể thiếu trong đời sống văn hóa của mình. Bài viết này sẽ giới thiệu cụ thể về những ngày lễ, hội chính đó.

cac ngay le o viet nam

Ngày Quốc lễ

Là tổng hợp những ngày lễ trọng đại mà chính phủ Việt Nam công nhận là lễ hội của toàn dân khắp cả nước. Trong những ngày lễ này, chính phủ cho phép người lao động trên toàn quốc được nghỉ việc có hưởng lương. Các hoạt động văn hóa, chào mừng sẽ được tổ chức ở nhiều nơi để người dân tham gia vui chơi, giải trí.

Những ngày quốc lễ hiện tại được công nhận gồm:

1. Tết dương lịch

Diễn ra vào dịp đầu năm dương lịch như tất cả các quốc gia khác trên thế giới. Tết dương lịch, người lao động Việt Nam có một ngày nghỉ chính thức, rơi vào ngày 1/1 hàng năm.

Mặc dù đây là một ngày quốc lễ nhưng tết dương lịch không mang dấu ấn văn hóa truyền thống của người Việt. Do đó, trên khắp cả nước, ngoài các hoạt động chào đón năm mới được chính phủ tổ chức như:

– Bắn pháo hoa: diễn ra ở các thành phố lớn như Hà Nội, Tp Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hải Phòng, Nha Trang,…

– Chương trình văn nghệ chào mừng do chính quyền địa phương tổ chức

– Một vài hoạt động sinh hoạt tập thể ở các câu lạc bộ, đoàn thanh niên, hội sinh viên.

Người dân Việt Nam không tổ chức bất kỳ một nghi lễ truyền thống nào trong dịp Tết dương lịch này. Họ dành trọn ngày nghỉ cho việc vui chơi giải trí như: gặp gỡ bạn bè, tổ chức ăn uống nhẹ tại nhà, ra ngoài mua sắm, hoặc cùng gia đình đến công viên, khu vui chơi gần khu vực sống của mình.

2. Tết Nguyên Đán

Với người Việt, Tết Nguyên Đán là lễ hội lớn nhất trong năm. Tết Nguyên Đán còn được người dân gọi vắn tắt là Tết. Tết diễn ra vào thời điểm kết thúc năm cũ và những ngày đầu năm mới tính theo lịch âm. Nó thường rơi vào khoản cuối tháng một đến cuối tháng hai dương lịch

Bước vào tháng cuối của năm âm lịch, người dân bắt đầu bàn tán nhiều về Tết. Càng gần về những ngày cuối năm, không khí chuẩn bị Tết càng nhộn nhịp. Từ ngày 20 tháng chạp âm lịch trở đi, mọi người dành nhiều thời gian hơn cho việc dọn dẹp, trang hoàng nhà cửa để chuẩn bị đón năm mới. Hoa tươi từ các nhà vườn được đưa về trung tâm bày bán với vô vàn sắc màu rực rỡ.Những nghi lễ liên quan đến việc tạm biệt năm cũ, chuẩn bị chào đón năm mới như lễ tiễn ông công ông táo, lễ tất niên xuất hiện râm ran cho đến Tết.

Theo quy định của chính phủ, Tết cũng là dịp lễ mà người lao động được nghỉ ngơi dài nhất, trung bình từ 7 đến 9 ngày.

Trong dịp Tết, rất nhiều hoạt động văn hóa diễn ra ở khắp mọi nơi. Chính phủ thường sẽ tổ chức bắn pháo hoa vào thời khắc giao thừa ở nhiều khu vực trên cả nước. Các hoạt động văn hóa nghệ thuật từ dân gian đến hiện đại đồng loạt diễn ra sôi nổi ở cả nông thôn đến thành thị.

Tết cũng là dịp để những người đi làm ăn xa quay về quê hương. Mọi thành viên trong gia đình có cơ hội đoàn tụ, sum họp bên nhau. Người Việt dành phần lớn thời gian trong 3 ngày đầu năm mới để tưởng nhớ về tổ tiên ông bà, thăm viếng bà con họ hàng, bạn bè thân thuộc. Họ cũng chú trọng đến việc lễ chùa trong dịp đầu năm nhằm cầu mong sức khỏe và những điều may mắn sẽ đến với bản thân, gia đình.

Trong ngày Tết, người phụ nữ trong gia đình sẽ nấu thật nhiều món ăn ngon, chuẩn bị các loại bánh, mứt, hoa quả tươi, đẹp để dâng cúng tổ tiên và chiêu đãi người thân, bạn bè.

Tết là dịp để trẻ con khoe những bộ áo quần mới tươi sáng, rạng ngời. Chúng cũng nhận được tiền lì xì của người lớn với ý nghĩa chúc cho đứa trẻ sang năm mới luôn được khỏe mạnh, chóng lớn, ngoan ngoãn.

Ngoài ra, Tết cũng giúp mọi người có cơ hội tham gia các tuor du lịch nghỉ ngơi cùng gia đình. Vì vậy, những điểm tham quan, vui chơi giải trí trong nước vào dịp này luôn đông đúc, nhộn nhịp.

Nếu bạn đang ở Việt Nam vào dịp Tết, bạn sẽ nhận thấy có rất nhiều nghi lễ thờ cúng diễn ra khắp nơi trong suốt ba ngày Tết. Đồng thời, bạn cũng sẽ được cảm nhận niềm vui hân hoan của người dân khi năm mới bắt đầu. Thật sự có rất nhiều sắc màu văn hóa và cảm xúc của người Việt được phô diễn chân thực sống động trong những ngày Tết.

3. Ngày giỗ tổ Hùng Vương

Diễn ra vào ngày mồng mười tháng ba âm lịch hàng năm. Ngày giỗ tổ Hùng Vương mang ý nghĩa tưởng nhớ về những vị vua đầu tiên gầy dựng nên nước Việt. Đồng thời thể hiện sự biết ơn của người dân với thế hệ cha ông đã có công dựng nước. Nghi lễ dâng hương tưởng niệm sẽ diễn ra chính thức tại đền thờ vua Hùng thuộc thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ.

Trong ngày này, theo tục lệ, người dân khắp ba miền sẽ tổ chức cùng nhau nấu những chiếc bánh chưng, bánh dày to, ngon nhất. Sau đó đề cử người đủ uy tín, chức trách mang về đất tổ Phú Thọ để dâng lên Vua Hùng, cầu mong cho quốc thái dân an. Cũng từ đó mà người Việt có câu “dù ai đi ngược về xuôi, nhớ ngày giỗ tổ mồng mười tháng ba”.

Ngày nay, việc chuẩn bị những chiếc bánh chưng, bánh dày không còn khó khăn, cũng như không đòi hỏi có quá nhiều người cùng tham gia. Tuy nhiên, quốc lễ mồng mười tháng ba như một lời nhắc nhở đến mọi người dân Việt Nam về nguồn cội của mình, khắc sâu ý nghĩa uống nước nhớ nguồn của dân tộc.

Lễ giỗ tổ Hùng Vương, người lao động Việt Nam sẽ có một ngày nghỉ lễ chính thức. Trong ngày nay, trừ người dân Phú Thọ và khu vực lân cận dành nhiều thời gian tham gia lễ hội dâng hương tại Đền Hùng, hầu hết người dân ba miền sẽ được nghỉ ngơi, vui chơi theo nhu cầu bản thân. Một vài buổi tiệc nhẹ tại nhà, những cuộc gặp gỡ ngắn hoặc thư giãn tại công viên, khu vui chơi gần là lựa chọn chung cho nhiều người.

4. Lễ chiến thắng 30/4 và quốc tế lao động 1/5

Dịp quốc lễ kỷ niệm ngày chiến thắng 30/4 được tổ chức khá trọng thể hàng năm tại Việt Nam. Đây là ngày lễ trọng đại kỷ niệm dấu mốc lịch sử năm 1975 khi Việt Nam hoàn toàn thoát khỏi chiến tranh, thống nhất đất nước.

Đi liền với ngày 30/4, ngày quốc tế lao động 1/5 cũng là quốc lễ chính thức tại Việt Nam. Do đó, người lao động sẽ được nghỉ ngơi hưởng lương đầy đủ trong hai ngày lễ này.

Trong ngày lễ chiến thắng, người dân sẽ treo cờ tổ quốc trước cổng nhà nhằm thể hiện niềm tự hào dân tộc và lòng yêu nước của mình.

Nhiều địa phương, chính quyền sẽ tổ chức bắn pháo hoa. Cùng với đó là các hoạt động nghệ thuật diễn ra khá sôi nổi.

Thường, dịp lễ 30/4 và 1/5 có số ngày nghỉ dài, đặc biệt vào những năm mà ngày lễ đi liền trước hoặc liền sau ngày cuối tuần. Đây là cơ hội cho những chuyến du lịch ngắn. Vì vậy, trong những ngày này, những điểm tham quan, du lịch ở Việt Nam trở nên khá đông đúc, nhộn nhịp.

Nhiều người cũng tranh thủ dịp lễ để về quê thăm người thân hoặc đơn giản là tổ chức nghỉ ngơi, ăn chơi ngay tại nhà.

5. Quốc khánh 2-9

Ngày quốc khánh hay còn được người dân Việt Nam gọi là Tết Độc lập. Đây là dịp lễ trọng đại của dân tộc Việt nhằm kỷ niệm ngày chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản tuyên ngôn độc lập tại quảng trường Ba Đình- Hà Nội năm 1945. Ngày 2-9 -1945 chính thức khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Và từ đó đến nay, ngày 2-9 luôn là ngày chứa đựng niềm tự hào dân tộc lớn lao của nhân dân Việt Nam.

Lễ mừng Tết độc lập diễn ra sôi nổi trên cả nước. Rất nhiều hoạt động nghệ thuật, văn hóa được tổ chức ở khắp các địa phương. Cờ tổ quốc được treo ở cổng mỗi nhà dân, công sở, đường phố. Người lao động được nghỉ ngơi chính thức trong hai ngày là ngày 2/9 và một ngày liền trước hoặc liền sau tùy thuộc vào lịch cụ thể của từng năm.

Lễ kỷ niệm chính thức được tổ chức trọng thể ở Quảng trường Ba Đình với sự tham dự của đông đảo quần chúng nhân dân và chính phủ Việt Nam. Lễ duyệt binh trọng thể cũng được diễn ra tại đây.

Pháo hoa sẽ được bắn vào tối ngày 2-9 tại thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội và nhiều địa phương khác trong cả nước.

Không có bất kỳ nghi lễ truyền thống nào được tổ chức trong dịp này vì vậy người dân dành nhiều sự quan tâm đến các hoạt động kỷ niệm do chính phủ tổ chức. Các điểm tham quan vui chơi trở nên đông đúc. Người dân cũng dành thời gian nghỉ ngơi ở những địa điểm xa trung tâm thành phố hoặc về quê. Nhiều bữa tiệc trong phạm vi gia đình được tổ chức.

Những ngày lễ chứa đựng màu sắc văn hóa gắn liền với đời sống người dân

Ngoài những ngày quốc lễ đã được chính phủ công nhận, người Việt Nam còn có rất nhiều những ngày lễ quan trọng khác gắn liền với đời sống văn hóa của mình. Trong đó, cần phải kể đến những ngày lễ thu hút được sự quan tâm của hầu hết người dân, như:

1.Tết Đoan Ngọ

Tết Đoan Ngọ diễn ra vào ngày mồng năm tháng năm âm lịch. Có nhiều giả thuyết khác nhau về sự xuất hiện của ngày lễ này. Theo thời gian, nguồn gốc xuất hiện của ngày Tết Đoan Ngọ không còn thu hút sự quan tâm của nhiều người. Thay vào đó, ngày mồng năm tháng năm trở thành dịp quan trọng để mọi người trong gia đình quây quần bên nhau, cùng sắm sửa lễ vật dâng cúng lên tổ tiên, ông bà.

Vào ngày này, con cháu luôn cố gắng trở về bên ông bà, bố mẹ như một cách thể hiện sự hiếu kính với bậc sinh thành. Mọi người cùng tổ chức nấu nhiều món ăn ngon dâng cúng tổ tiên. Trong đó, theo phong tục, món bánh ú tro, trái cây tươi và thịt vịt là những món không thể thiếu.

Ngoài các nghi lễ thờ cúng, liên hoan trong nội bộ gia đình, gần như không có bất kỳ một hoạt động nghệ thuật văn hóa nào được tổ chức trên phạm vi cộng đồng trong dịp lễ này.

>> Xem thêm: Lễ giáng sinh ở Việt Nam.

2. Tết Trung thu

Diễn ra vào đúng ngày 15 tháng tám âm lịch, tết Trung thu dành được sự hưởng ứng của đông đảo người dân Việt Nam.

Đây là thời điểm mà vụ mùa ở Việt Nam vừa kết thúc. Người nông dân có thời gian nhàn rỗi sau những ngày mùa bận rộn. Họ tổ chức nhiều buổi lễ tạ ơn trời đất và ăn mừng vụ mùa bội thu. Tết Trung thu ra đời từ đó.

Trong ngày Tết Trung thu, các hoạt động múa lân sư rồng diễn ra rầm rộ từ khắp đường phố đến nông thôn.

Trung thu còn là lúc mọi người trao nhau những chiếc bánh trung thu ngọt thơm thể hiện tình yêu thương, quan tâm dành cho nhau.

Nếu bạn đang ở Việt Nam vào dịp Tết trung thu, bạn sẽ được tận hưởng không khí vui nhộn của đường phố khi tất cả người dân hòa mình vào tiếng trống và bước nhảy của các nghệ nhân lân sư rồng. Thật sự là một dịp lễ hội nhộn nhịp đáng nhớ.

Xuân Thịnh
Người yêu thích du lịch, Thạc sĩ Ngôn Ngữ và Cử nhân Báo Chí, mong đóng góp những bài viết chất lượng về điểm du lịch, dịch vụ, và trải nghiệm đến với đọc giả.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here