Thứ Sáu, 11 Tháng Mười, 2024
HomeTổng quan du lịchNhững món ăn truyền thống của Việt Nam

Những món ăn truyền thống của Việt Nam

Khi nói về món ăn ở Việt Nam, nhiều người nghĩ ngày đến món Phở hay Bánh Mì bởi nó đã quá phổ biến trong ẩm thực, và đời sống của người dân.

Tuy nhiên, những món ăn truyền thống thường hay xuất hiện trong mâm cỗ cúng ông bà, hay trong những ngày Tết và mang đậm nét văn hóa của người Việt lại là những món ăn khác.

mon an truyen thong viet nam
Một món ăn truyền thống ở Việt Nam. Ảnh: Accomer

Trong bài này, Accomer hân hạnh giới thiệu đến các bạn những món ăn truyền thống Việt Nam với những ý nghĩa văn hóa của chúng để các bạn có cảm nhận sâu hơn về từng món ăn khi thưởng thức chúng.

1. Bánh chưng

Bánh chưng là một trong những món ăn mang đậm nét truyền thống ở Việt Nam, luôn đứng đầu danh sách những món ăn cần phải có trong những ngày Tết cổ truyền. Bánh chưng có hình vuông, tượng trưng cho quả đất theo quan niệm của người Việt xưa.

banh chung vietnam
Bánh chưng không thể thiếu trong ngày Tết. Ảnh: Minhbuiart/pixabay

Nguyên liệu chính của bánh được làm từ nếp, thịt lợn, và đậu xanh. Những nguyên liệu này mang đặc tính văn hóa lúa nước của cư dân làm nông nghiệp trên mảnh đất hình chữ S.

Trong những ngày giáp Tết, hầu hết mọi nhà đều gói bánh chưng để thờ cúng ông bà tổ tiên. Hoạt động cùng nhau gói bánh cũng giúp cho các thành viên trong gia đình Việt gần nhau hơn. Do vậy, bánh chưng còn có ý nghĩa lớn trong việc tạo nên sự đoàn kết, sum vầy của người Việt, và cũng trở thành biểu tượng nổi bật của Việt Nam.

2. Bánh Tét

Bánh Tét có hình dạng là một trụ tròn và nguyên liệu làm bánh cũng như Bánh Chưng, bao gồm gạo nếp, thịt lợn và đậu xanh.

banh tet
Bánh tét có hình trụ dài. Ảnh: Accomer

Nếu như bánh chưng có hình vuông, tượng trưng cho quả đất, thì bánh Tét có hình trụ tròn, tượng trưng cho bầu trời, giống như âm và dương trong quan niệm văn hóa và phong thủy của người Việt.

Bánh Tét cũng được làm để thờ cúng vào ngày Tết Nguyên Đán, nhưng cũng được rất nhiều người làm thức ăn cho ngày thường bởi tính tiện dụng và có khả năng mang đi một cách dễ dàng.

3. Dưa Kiệu

Dưa kiệu có thể là món ăn kèm không thể thiếu cùng Bánh Chưng và Bánh Tét trong những ngày Tết ở Việt nam.

dua kieu
Món dưa kiệu không thể thiếu trong ngày Tết. Ảnh: Accomer

Dưa kiệu được làm từ các loại củ và quả, như củ kiệu, cà rốt, củ cải, hành đỏ, đu đủ. Tất cả nguyên liệu được cắt nhỏ, làm héo và được ngâm với nước mắm truyền thống Việt Nam cùng với đường.

Nếu bánh chưng và bánh tét có màu tối đậm, thì dưa kiệu có màu đỏ sáng từ cà rốt và đu đủ sẽ như những nụ hoa trang trí cho mâm cơm thờ cúng tổ tiên được tươi mới, bắt mắt, và vui vẻ hơn.

Sự kết hợp hoàn hảo của dưa kiệu và bánh chưng sẽ tạo nên sự hòa hợp âm và dương trong bữa ăn. Banh chưng mềm dẻo tượng trưng cho âm, dưa kiệu giòn sáng tượng trưng cho dương. Đó là sự cân bằng trong cuộc sống mà người xưa muốn nhắn gửi đến thế hệ con cháu đến ngày hôm nay.

4. Nem chua

Nem chua là một món ăn truyền thống ở Việt Nam được nhiều người ưa thích. Nguyên liệu chủ yếu là thịt sống lên men.

nem chua viet nam
Nem chua rất phổ biến ở Việt nam khi uống bia. @cha_oc_ha__noi

Nem chua được làm từ thịt lợn hay thịt bò, lợi dụng men của một số lá cây và thính gạo để ủ chín, cho hương vị chua ngon rất hấp dẫn. Hiện nay, một số nơi sử dụng men để lên men được nhanh hơn.

Để làm nem chua, người ta chọn loại thịt lợn tốt, giã nhuyễn, cho gia vị như thính gạo (có thể men), muối, hạt tiêu, ớt, đường, rất nhiều tỏi… trộn với da lợn cắt sợi nhỏ.

Sau đó, người ta gói chúng bằng lá một số cây như lá ổi, lá sung, lá đinh lăng… tùy theo từng địa phương, bên ngoài bọc thêm một lớp lá chuối dày, để khoảng 3 – 5 ngày là nem chua có thể ăn được.

Rất nhiều người, thích dùng nem chua khi uống rượu hay bia. Do vậy, đây là món ăn rất phổ biến ở các quán nhậu địa phương ở Việt Nam.

Những loại lá cây như ổi, đinh lăng.. cũng là một số loại thảo dược tốt cho cơ thể. Việc sử dụng các loại lá có sẵn trong vườn để chế biến thức ăn, làm cho món ăn thơm ngon hơn, tốt hơn, đây cũng là một trong những đặc trưng trong văn hóa nông nghiệp của người Việt Nam.

5. Chả lụa

Khi đề cập đến món ăn truyền thống của người Việt, Chả lụa không thể thiếu trong danh sách đó. Bởi cách làm chả lụa chỉ có ở Việt Nam, và ở đất nước tươi đẹp này bạn mới có thể thấy được một tầm cao của việc chế biến thịt lợn thành món ăn hấp dẫn.

cha lua
Cha lụa chế biến từ thịt heo với nhiều gia vị hấp dẫn. Ảnh: @giochatam

Chả lụa được làm từ nguyên liệu chính là thịt nạc lợn xay nhuyễn cùng với tiêu, hạt nêm, hành đỏ, tỏi, ít đường. Sau đó, hổn hợp này dược gói trong lá chuối với hình trụ tròn và luộc chín trong khoảng 2 giờ.

Chả lụa xuất hiện trong hầu hết ở các bữa tiệc, mâm cỗ thờ cúng ông bà. Đây cũng là một trong những món ăn có thể cất giữ được lâu nên rất thuận tiện cho người Việt ở nhiều khu vực, đặc biệt vùng nông thôn, nơi rất ít người có tủ lạnh để giữ đồ ăn.

Chả lụa cũng là món ưa thích trên các bàn nhậu cùng bạn bè. Chỉ cần một ít chả lụa, không cần nấu nướng gì thêm, và vài ly bia là đã có thể ngồi tâm sự cùng nhau. Do vậy, nó cũng có thể được xem như “món ăn nhanh Việt” rất tiện dụng.

>> Mời xem: Sự khác nhau trong cuộc sống ở thành thị và nông thôn.

6. Chả giò

Chẳng biết từ bao giờ chả giò đã trở thành món truyền thống của người VN, được người Việt thiết đãi bạn bè quốc tế như một cách giới thiệu hương vị đặc biệt của món truyền thống.

cha gio
Chả giò còn gọi là ram chiên. Ảnh: @ha_noi_quan

Chả giò hay còn gọi là nem rán, chả ram, chả cuốn… là món đặc trưng của người Việt, có ở tất cả 3 miền.  Có khác chăng là mỗi vùng miền sẽ có biến tấu riêng theo sản vật và thổ nhưỡng từng nơi.

Tùy theo vùng miền mà người ta sẽ sử dụng các nguyên liệu khác nhau. Nhưng điểm chung là các loại nguyên liệu này sau khi sơ chế sẽ được trộn lẫn với nhau cùng gia vị và được gói gọn trong một miếng bánh tráng mỏng, đem chiên cho vàng, thơm và giòn, ăn cùng nước chấm pha chua ngọt và xà lách, rau thơm.

Chả giò thường được gói thành hình trụ nhỏ để giữ cho cuốn chả được đều, nhân chả được gói gọn, không bị bung ra ngoài. Với công thức chả giò truyền thống, nhiều người có thể chế biến sáng tạo gia giảm theo cách riêng của mình cũng như lựa chọn bánh tráng cuốn chả khác nhau: bánh tráng thường, bánh tráng đậu xanh, bánh tráng rế…

Những cuốn chả khi vừa chiên xong sẽ có lớp ngoài giòn, cắn vào trong thì mềm và có vị ngọt của nhân chả, đem đến một cảm giác thú vị khi thưởng thức.

Nem rán là món ăn mang ý nghĩa trang trọng, cao quý. Sự kết hợp các nguyên liệu khác nhau làm nên nhân nem như mang một ý nghĩa biểu tượng về sự đoàn kết, yêu thương, đùm bọc lẫn nhau của người dân đất Việt.

7. Xôi chè

Xôi chè thực ra là hai món khác nhau: xôi được nấu từ nếp là thành phần chính, có khi thêm các loại đậu; chè được nấu từ nếp, bột nếp, hay đậu và đặc biệt phải có đường để trở thành món ngọt.

che xoi
Chè xôi là hai món thường đi kèm với nhau. Ảnh: @_umely_

Trên các mâm cúng ông bà, tổ tiên ngày Tết thường có món xôi chè này. Xôi chè thể hiện sự ấm no, đầy đủ. Trong đó, chè mang cái hương vị thanh tao, ngọt ngào, thành kính để dâng ông bà, để đãi cháu con, cầu mong gia đình luôn sum vầy, hạnh phúc.

Đặt biệt, trong văn hóa truyền thống của người Việt, trên mâm lễ cúng đầy tháng – thôi nôi luôn phải có xôi chè. Xôi chè là lễ vật bắt buộc cần có, mang nhiều ý nghĩa mong muốn một tương lai sáng lạng, đầy thành công và bình an, suôn sẻ cho bé sau này. Lễ cúng đầy tháng – thôi nôi bé sẽ bao gồm 12 phần xôi chè nhỏ cho 12 vị Tiên Nương và 1 phần xôi chè lớn cho Bà Mụ Thiên Thai.

8. Bánh trung thu

Bánh trung thu phổ biến không chỉ ở Việt Nam mà còn ở nhiều nước châu Á mặc dù nó bắt nguồn từ Trung Quốc. Tuy nhiên, khi đến Việt Nam, loại bánh này lại mang một ý nghĩa khác, và được người dân xem như là một trong những món ăn truyền thống mỗi rằm tháng Tám hằng năm.

banh trung thu
Bánh trung thu với nhiều màu sắc khác nhau. Ảnh: @munncake

Vào ngày Rằm tháng 8, người ta thường tặng nhau những chiếc bánh trung thu với ý nghĩa chúc cho mọi điều trong cuộc sống được tròn đầy, viên mãn, chính bởi điều này mà chiếc bánh là món ăn, món quà có giá trị tinh thần không thể thiếu trong ngày Tết Trung thu. 

Ở Việt Nam gồm hai loại bánh là bánh dẻo và bánh nướng.

Bánh dẻo được làm từ bột nếp trắng tinh nhồi với đường và nước hoa bưởi thơm lừng, đúc trong khuôn gỗ hoặc khuôn nhựa hình tròn, nhân làm bằng hột sen hay đậu xanh tán nhuyễn – mang sắc thái của đất nước Việt Nam. Hình tròn của bánh thể hiện hình dáng vầng trăng thu tròn và trắng ngà trong biểu tượng ý nghĩa “đoàn viên gia đình” và nhất là tình yêu khăng khít giữa vợ chồng với nhau.

Bánh nướng gồm hai phần: vỏ bánh và thân bánh. Vỏ bánh làm bằng bột mì dậy men trộn với trứng gà và chút rượu, nhân có thể được làm bằng đậu xanh, khoai môn hay hột sen tán nhuyễn bao bọc lấy lòng đỏ trứng muối có mùi vani hay sầu riêng; nhân thập cẩm gồm đủ thứ như dăm bông, thịt lợn, vi yến, dừa, hạt dưa, ngó sen, bí đao…

Hình tròn trong nhân là biểu hiện của sự tròn đầy, viên mãn. Vị mặn của trứng muối bị vị ngọt của những nguyên liệu khác trung hòa, điều này gợi cho ta đến một liên tưởng: trong cuộc sống, dù thường ngày có nếm trải qua bao nhiêu đắng cay khổ sở thì vẫn có những người thân luôn bên ta, bao bọc chở che ta và trao cho ta vị ngọt của tình thương của cuộc sống. Cũng giống như chiếc bánh trung thu, trong mặn có ngọt, tạo nên hương vị đậm đà của cuộc sống.


Ngoài những món ăn trên, Việt nam còn có nhiều món khác cũng được xem là món ăn văn hóa truyền thống. Tuy nhiên, do giới hạn của bài Viết, nên Accomer chỉ giới thiệu đến các bạn những món ăn truyền thống tiêu biểu nhất mà thôi.

Việc hiểu được một số nét văn hóa và ý nghĩa phía sau từng món ăn truyền thống sẽ giúp bạn cảm nhận và yêu mến được văn hóa bản địa nhiều hơn khi bạn thưởng thức những món ăn đó.

(Nguồn dịch từ VND)

Accomer Việt Nam
Đội ngũ Accomer Việt Nam chuyên thực hiện trải nghiệm, khám phá điểm đến ở Việt Nam và thế giới qua những chuyến du lịch đầy ý nghĩa. Chúng tôi rất vui chia sẻ những góp nhặt thú vị với mong muốn giúp bạn có nguồn thông tin hữu ích cho chuyến đi tiếp theo của mình.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here